Sunday, January 15, 2017

Phân biệt giày chạy bộ (running) và giày tập luyện đa năng (training)

Giày running khác gì với giày training?
Đây là thắc mắc của khá nhiều bạn gửi đến mình trong thời gian qua. Bài viết này sẽ giúp mọi người hiểu thêm về sự khác nhau giữa hai loại giày chạy bộ (running shoe) và giày tập luyện đa năng (training shoe). Từ đó bạn có thể lựa chọn chính xác cho đôi giày phục vụ nhu cầu tập luyện của mình.

I. Công dụng khác nhau

Trước khi tìm hiểu cách phân biệt hai loại giày này, chúng ta cần phải nắm rõ công dụng khác nhau của giày chạy bộ và giày tập luyện đa năng.
Tại sao phải phân chia ra làm hai loại giày khác nhau?
  • Giày chạy bộ để làm gì? Tất nhiên là để chạy bộ!
  • Còn giày tập luyện? …để tập luyện chứ làm gì nữa! 
Trong chạy bộ, chuyển động cơ thể luôn theo trục thẳng, hướng về phía trước. Không hề có các chuyển động phức tạp theo phương ngang, xéo hay quay vòng.
Ngược lại, tập luyện đa năng bao gồm rất nhiều các bài tập khác nhau như nâng tạ Dead Lift, Zumba, Calisthenics, Cross-Train,…và cả chạy bộ. Khi này, cơ thể phải chuyển động rất linh hoạt ngang dọc, tiến lùi, xoay vòng,…  tùy theo dạng bài tập.
Giày tập luyện đa năng Nike Free TR 5 Flyknit
Giày tập luyện đa năng Nike Free TR 5 Flyknit
Giày dành cho tập luyện vì thế phải đáp ứng được nhu cầu tất cả trong một, môn gì cũng chơi được. Còn giày chạy bộ chỉ chuyên dụng dành cho chạy bộ, đi bộ. Nói cách khác dễ hiểu hơn là giày tập luyện đa năng có thể dùng để chạy bộ nhưng giày chạy bộ chưa chắc đã làm được điều ngược lại.
Tùy theo mục đích sử dụng mà bạn nên lựa chọn mua giày chạy bộ (chạy bộ là chính) hay giày đa năng (chạy bộ, tập gym,…) hoặc mua cả hai (nếu có điều kiện). Nếu khả năng tài chính hạn chế trong khi bạn vẫn đang cân nhắc giữa hai loại, giày tập luyện đa năng luôn là sự lựa chọn tối ưu nhờ sự linh hoạt của nó.

II. Thiết kế khác nhau

Do mục đích sử dụng khác nhau, giày chạy bộ (running) và giày tập luyện đa năng (training) sẽ có thiết kế khác biệt từ thân giày đến đế giày để tối ưu cho các hoạt động khác nhau.

Phần đế giày

Phần đế cao su của giày training luôn luôn được trang bị các miếng cao su ở hai bên, giúp giày bám tốt hơn trong các động tác di chuyển ngang và chéo. Trong khi đó, một số giày running sẽ lược bỏ hoàn toàn phần cao su ở hai bên, chỉ chừa lại ở phần mũi và gót, vì khi chạy chỉ có chuyển động thẳng về phía trước. Nhờ vậy giày running thường sẽ nhẹ hơn giày training.
Đế giày training Nike Free Trainer 5.0 2015
Đế giày training Nike Free Trainer 5.0 2015
Đế giày running Nike Free 5.0 2015
Đế giày running Nike Free 5.0 2015

Phần thân giày

Thân giày training luôn được gia cố tốt hơn. Nó được sử dụng vật liệu cứng chắc hơn để bảo đảm toàn bộ phần bàn chân và cổ chân được giữ chắc trong giày khi di chuyển theo 4 phía. Còn giày chạy bộ được tối ưu cho chạy, nên các thành phần ko cần thiết sẽ bị lược bỏ để giảm bớt trọng lượng cho giày.
Thân giày Nike Free Trainer 5.0 (2015)
Thân giày Nike Free Trainer 5.0 (2015)

III. Khác nhau ở cái tên

Nếu bạn cảm thấy cách phân biệt dựa vô thiết kế giày kể trên quá rắc rối thì còn một cách khác đơn giản hơn nhiều: đó là phân biệt giày chạy bộ và giày tập luyện là dựa vô tên giày.
  • Giày tập luyện đa năng: luôn đi kèm theo cái tag Training, Trainer hay TR (viết tắt của chữ Trainer), Cross(Cross training) trong tên giày. Ví dụ: Nike Free Trainer 3.0, Nike Air Trainer, Nike Flyknit Trainer, Nike Lunar TR 1, Nike Cross Compete…
  • Giày chạy bộ: rất tiếc, không có một quy chuẩn đặt tên nào cả. Tên giày chạy bộ được đặt rất bất kỳ: Nike Zoom Fly, Nike Free 5.0, Nike Flyknit Lunar 2,…Một số đôi có thể đi kèm cụm từ Run hay RN trong tên giày nhưng số này rất hiếm, ví dụ Nike Flex 2014 Rn.
Tuy nhiên, có đôi Nike Roshe Run mặc dù có chữ Run nhưng nó là giày đi chơi, không phải giày chạy bộ nhé. Mới đây Nike đã chính thức đổi tên đôi giày này thành Nike Roshe One để tránh gây hiểu lầm cho khách hàng
Nike Free Trainer 5.0 2015
Nike Free Trainer 5.0 2015
Nếu bạn thấy đôi nào không có cái cụm từ TrainingTrainer hay TR, CROSS trên trong tên giày thì 99% nó không phải là giày tập luyện đa năng. Còn nó có phải giày chạy bộ không thì phải nhờ nhân viên bán hàng tư vấn hoặc nhờ bác Google mách nhé.
Tham khảo thêm các bài viết đánh giá giày chạy bộ của mình trên blog
Đánh Giá Giày Chạy Bộ
Trường hợp ngoại lệ: đôi giày Nike Metcon tuy không có các cụm từ kể trên, nhưng lại là đôi giày thuộc dòng Training chuyên nghiệp – CrossFit. Đôi này có thiết kế đế phẳng và bám chắc, tối ưu cho các bạn chơi các môn cường độ cao trong gym như CrossFit, Dead Lift
Nike Metcon 2
Chú ý: Phần tên giày này mình chỉ dựa vào cách đặt tên của giày Nike. Giày của các hãng khác có thể có thể không tuân theo quy luật này.

IV. Các Câu Hỏi Thường Gặp

1. Có thể mua giày chạy bộ để đi tập Gym được không?

Được hay không còn tùy thuộc vào bạn tập gì ở Gym.
  • Nếu bạn vào gym chỉ tập chạy trên máy, hít đất, đạp xe, yoga,…giày chạy bộ hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tập luyện của bạn.
  • Nếu bạn chuyên tập các môn cường độ cao: HIIT, Dead Lift, CrossFit, giày chạy bộ không phải là lựa chọn tối ưu. Bạn nên chọn mua các đôi training cao cấp như Nike Metcon để có được sự hỗ trợ tốt nhất.

2. Có thể lấy giày tập luyện chạy trên máy hay ngoài đường không?

Bạn có thể sử dụng giày tập luyện đa năng để sử dụng cho chạy bộ, cả trên máy lẫn ngoài đường. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng cho các cự ly ngắn dưới 10K. Giày tập luyện thường nặng hơn khá nhiều hơn so với giày chạy bộ nên sẽ không tối ưu trên các cự ly dài
Nếu bạn muốn chuyển sang chạy đường trường (trên 10K), hãy đầu tư một đôi giày chạy bộ chuyên dụng để tối ưu chế độ tập luyện.

No comments:

Post a Comment